Cách đây gần 30 năm, Nguyễn Quốc Khanh là một trong những người đầu tiên kinh doanh nội thất với tham vọng Việt Nam có khả năng cạnh tranh ở thị trường thế giới. Và tham vọng này đã trở thành hiện thực khi nội thất gỗ của Công ty Thiết kế AA đã mở rộng thị trường ra châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Á và Nam Á. Trong nước, AA là cái tên rất quen thuộc trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất, từng ghi dấu tại các khách sạn, resort lớn như InterContinental, Hilton Opera, Mövenpick, Pullman, Sofitel, Sheraton… Trò chuyện với Nguyễn Quốc Khanh khá thú vị vì ông không chỉ có kiến thức sâu rộng trong ngành mà còn có tính cách nghệ sĩ trong một người làm kinh doanh.
Nhiều người nói ông giống như một stylist về nội thất hơn là một người kinh doanh, ông nghĩ sao?
Thật ra, từ cách đây 40, 50 năm, người làm về nội thất đã được gọi là stylist, để phân biệt với các kiến trúc sư. Hiện nay, cách gọi này đang trở lại vì người làm về nội thất không chỉ là sắp xếp các đồ dùng trong nhà theo thiết kế của kiến trúc sư, mà công việc của họ là tạo phong cách phù hợp với gia chủ. Đôi khi, phong cách nội thất cũng không nhất thiết phải đi theo phong cách kiến trúc. Ngày nay hầu như không có luật nào quy định về cái đẹp trong nghệ thuật, đặc biệt là với những khách hàng trẻ tuổi. Ngày xưa, quan niệm thường thấy là “ton sur ton” mới đẹp nhưng nay, các đồ dùng khác biệt được “trộn” khéo thì vẫn cho một phong cách đẹp. Quan trọng hơn, yếu tố thẩm mỹ còn tùy thuộc vào quan điểm cá nhân. Phong cách nội thất cũng giống như thời trang, không có khái niệm đúng – sai, xấu – đẹp mà thường được đánh giá là thích hoặc không mà thôi.
Vậy chúng ta không nhất thiết phải mua nội thất đắt tiền mới đẹp, đúng không thưa ông?
Nếu xét về thẩm mỹ thì không nhất thiết phải sử dụng nội thất mắc tiền, nhưng muốn được trải nghiệm xứng tầm thì chúng ta phải trả đúng giá cho một món đồ chất lượng. Món đồ nội thất giống như một người bạn, mới gặp có thể không thích nhưng càng sống lâu với nhau thì càng thêm yêu quý. Tuy nhiên, cũng như một người bạn cần có những đức tính tốt, đồ nội thất căn bản phải đảm bảo chất lượng thì càng “sống chung” mới càng thấy giá trị.
Một người nổi tiếng tôi quen thường dùng những chiếc túi Hermes trị giá hàng ngàn USD nhưng lại sử dụng chiếc sofa giả da của Trung Quốc. Tôi thấy tiếc cho cô ấy vì một chiếc sofa da bò sản xuất từ Ý chỉ có giá bằng hai chiếc túi Hermes nhưng được chăm chút từ việc chăn nuôi bò đến từng mũi khâu trên chiếc sofa. Để có một tấm da đạt yêu cầu thì con bò được chăm kỹ đến mức trên da hoàn toàn không có vết cắn của bất cứ một con côn trùng nào. Điều đáng nói hơn là trải nghiệm tuyệt vời khi được ngồi trên chiếc sofa da bò. Đó là cảm giác thảnh thơi, an nhiên, như thể mọi mệt mỏi đều tan biến. Tôi nghĩ rằng ai cũng cần một lần dùng thử những đồ nội thất giá trị, để thấy rằng người có tiền nên chọn phong cách nội thất xứng tầm.
Xin trở lại với câu chuyện stylist về nội thất. Khi trang trí nội thất được nâng lên thành phong cách thì có lẽ xu hướng nội thất cũng có những điều mới mẻ…
Nhìn chung, phong cách nội thất có ba xu hướng cơ bản. Một xu hướng phổ biến nhất trong ngành hiện nay là nội thất đi liền với thời trang. Có thể thấy là hầu hết các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới đều cho ra đời các thương hiệu về nội thất. Chẳng hạn như Versace Home với những bộ sưu tập được trau chuốt cầu kỳ, từ giường, sofa, bàn ghế ăn đến gạch men được vẽ bằng tay, những bộ ấm chén, bát đĩa mạ vàng… Hay Zara Home tập trung vào những vật dụng trang trí cảm hứng từ phong cách Pháp…
Xu hướng thứ hai là sưu tầm các món đồ nội thất của các tác giả lớn như một tác phẩm nghệ thuật. Chẳng hạn như bộ sưu tập 12 chiếc kệ Tela được tạc từ đá granite của kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Zaha Hadid. Trước đây, tác phẩm này được bán với giá 300 ngàn USD, nay có giá lên đến 1,5 triệu USD.
Một xu hướng nữa là chọn mua sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Xu hướng này cũng tương tự như cách trang hoàng nhà cửa bằng những món đồ gỗ quý cách đây bốn mươi, năm mươi năm. Chỉ khác là càng ngày, nội thất bằng gỗ rừng tự nhiên quý hiếm như gụ, gõ, cẩm lai… không còn được ưa chuộng, thậm chí còn bị “tẩy chay” vì bị xem là phá hoại môi trường. Thay vào đó là nội thất gỗ rừng trồng hoặc từ da bò Ý… được làm bằng phương pháp thủ công rất được ưa chuộng.
Mới đây, trên thị trường xuất hiện các cửa hàng nội thất Muji của Nhật, thu hút sự chú ý của thế giới. Ông đánh giá về phong cách này?
Muji là phong cách tối giản, đồ nội thất chỉ có màu xám, trắng, đen, dành cho những người thích cuộc sống đơn giản, nhẹ nhàng. Tôi thì không thích phong cách này vì tôi muốn một cuộc sống sắc màu hơn. Như tôi đã nói, phong cách thì không có đúng hay sai, chỉ là sở thích của cá nhân và miễn sao phù hợp với cuộc sống của mỗi người. Đó cũng là lý do tôi kinh doanh nhiều thương hiệu khác nhau. Những khách hàng không chọn được một món nội thất nào ở showroom Nhà Xinh đơn giản vì phong cách nội thất ở đây không hợp với sở thích của họ. Có thể họ đang có nhu cầu về những món nội thất thời thượng châu Âu trẻ trung ở BoConcept. Nếu họ vẫn chưa ưng ý, tôi có thể đưa họ đến Bellavita, nơi cung cấp những sản phẩm nội thất cao cấp từ các nghệ nhân nổi tiếng. Bellavita không phải là một showroom mà tôi định hướng xây dựng nó thành một viện bảo tàng, nơi trưng bày các tác phẩm nội thất độc đáo trong thiết kế cùng đỉnh cao về chất lượng, đa số được làm bởi các nghệ nhân ở Ý và các nước châu Âu khác.
Còn xu hướng tiêu dùng phổ biến trên thị trường nội thất Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông?
Người tiêu dùng thì có hai nhóm cơ bản. Nhóm thứ nhất nhận biết tốt về các phong cách nội thất, nhưng họ không có thời gian hoặc không biết cách chọn nội thất phù hợp với phong cách của mình nên họ phải “nhờ cậy” kiến trúc sư hoặc các stylist nội thất trong việc hoàn thiện căn nhà.
Nhóm thứ hai là những người xem việc chọn mua đồ nội thất như một thú vui hay một cách giải trí. Có người xây nhà trong ba tháng nhưng chọn nội thất mất đến ba năm và mỗi lần chọn được một cái bàn, một chiếc sofa phù hợp là một niềm vui. Trang trí nội thất không còn là một khái niệm xa vời mà đó là cách điểm tô cho cuộc sống. Thời nay, việc mua sắm đồ nội thất cũng không khác gì việc mua sắm quần áo thời trang. Các quý bà đi dạo vòng quanh các shop thời trang cũng giống như các quý ông dành thời gian ngắm nghía ở các cửa hàng nội thất vậy.
Trong các vật liệu nội thất, AA tập trung nhiều cho nội thất gỗ, phải chăng ông nhận thấy nhu cầu lớn của thị trường về vật liệu này?
Cả nhu cầu và tiềm năng của ngành nội thất gỗ rất lớn. Ngoài lý do này thì nội thất gỗ còn là niềm đam mê của tôi, tất nhiên là gỗ rừng trồng chứ không phải gỗ tự nhiên. Gỗ là vật liệu sống, ngay cả khi đã được đục đẽo thành những món đồ trang trí trong nhà. Dễ thấy là đồ gỗ càng dùng lâu năm thì càng bóng, đẹp. Một cách tự nhiên, nội thất gỗ trở thành một thành viên trong gia đình chứ không phải chỉ là vật vô tri vô giác.
Gỗ rừng trồng là nguồn nguyên liệu có thể tái tạo và việc sử dụng gỗ rừng trồng thể tái tạo và việc sử dụng gỗ rừng trồng là một cách giúp đỡ cho cuộc sống của người nông dân. Sử dụng gỗ trong kiến trúc và nội thất cũng là xu hướng của thế giới, nhằm hạn chế tối đa tác hại của vật liệu bê tông đối với môi trường. Việt Nam hiện đang có một nguồn tài nguyên gỗ rừng trồng rất lớn, nếu tận dụng tốt sẽ đẩy mạnh ngành nội thất gỗ của chúng ta. Đây cũng là mong muốn của tôi, với tư cách là chủ tịch Hiệp hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM.
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.
Nguồn: Xuân Lộc – Nội Thất